Có an toàn khi tự dùng mỹ phẩm chứa Retinol?
Vừa qua, tháng 4 năm 2024, Ủy ban Liên minh Châu Âu đã thông qua quy định 2024/996 về việc sửa đổi Quy định 1223/2009 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu liên quan đến việc sử dụng một số chất có khả năng gây rối loạn nội tiết của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó EU quy định hàm lượng Retinol cho phép lưu hành không kê đơn trong mỹ phẩm chỉ ở mức 0.3% và trong kem dưỡng thể là 0.05% [4]
Quy định này được thông qua do cảnh cáo về mức độ an toàn và tình trạng lạm dụng các hoạt chất trong mỹ phẩm chăm sóc da hằng ngày gây ra nhiều tác dụng phụ, đặc biệt với các hoạt chất liên quan đến Retinol/ Vitamin A. Để hiểu rõ hơn về Retinol, cũng như cách dùng sao cho an toàn chúng ta cùng điểm lại quá trình nghiên cứu và phát triển của hoạt chất chống lão hóa này:
Lịch sử phát triển và ứng dụng trong chăm sóc da
Vào những năm 1930-1940 Retinol, một dạng của Vitamin A đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý nhờ vào tác dụng tích cực của nó với sức khỏe và làn da. Các nghiên cứu cho thấy Vitamin A và dẫn xuất đặc biệt là retinol, nằm trong số những chất hiệu quả nhất làm chậm quá trình lão hóa cùng tác dụng trong điều trị mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, làm sáng da nhờ tác động đến việc thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da, điều chỉnh bã nhờn, chống lại sự thoái hóa collagen và tăng cường hình thành mạch máu ở hạ bì [3].
Từ những năm 1990 đến nay, không dừng lại ở các điều trị da liễu mà các sản phẩm chứa Retinol và dẫn xuất (Acid retinoic, Este Retinyl, Retinaldehyd, Adapalene..) được ứng dụng rộng rãi hơn trong ngành mỹ phẩm và làm đẹp. Tuy vậy, phần lớn các sản phẩm Retinol tại thị trường Mỹ và Châu Âu phải được kê đơn bởi bác sĩ thì ở một số các thị trường khác như Châu Á các sản phẩm chứa Retinol được nhiều KOL/KOC quảng cáo khuyến khích sử dụng dẫn đến việc người tiêu dùng chủ quan, lạm dụng quá mức. Nhiều tình trạng bất lợi khi sử dụng retinol được báo cáo như [1],[2]: